Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
QUÊ HƯƠNG, CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG
Lượt xem: 49

         Minh Long nằm ở phía Bắc của huyện Hạ Lang. Phía Bắc giáp với Trung Quốc; phía Nam giáp với hai xã Lý Quốc và Đồng Loan (Hạ Lang); phía Đông giáp với xã Lý Quốc; phía Tây giáp với xã Thắng Lợi và Đàm Thủy (Trùng Khánh). Điểm nổi bật về vị trí địa lí của Minh Long là địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc khá dài, với tổng chiều dài hơn 11 km, thuộc khu vực cột mốc quốc giới số 837 đến mốc quốc giới số 844, chạy dọc theo con sông Quây Sơn. Xét về vị trí địa lí, Minh Long là xã vùng cao, biên giới, đặc điểm này đã có những tác động nhất định đến đặc điểm về lịch sử, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua các thời kì.

          Nhân dân Minh Long cũng như nhiều địa phương trong vùng, do tác động của đặc điểm điều kiện tự nhiên, dân tộc, hoàn cảnh lịch sử nên các dân tộc ở nơi đây, trong quá trình tồn tại và phát triển đã tích lũy nên những giá trị văn hóa khá phong phú. Sinh kế truyền thống của nhân dân Minh Long chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Đồng bào Tày, Nùng ngay từ xa xưa đã biết khai thác các mảnh ruộng dọc thung lũng để trồng lúa và hoa màu; phát đồi làm nương trồng lúa, ngô, khoai, sắn, đỗ tương... với những cánh đồng tương đối rộng lớn như Lũng Đa, Bản Thầng.... Cùng với trồng trọt, nhân dân Minh Long chú trọng chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Các vật nuôi chủ yếu là trâu, bò, lợn, dê và các loại gia cầm khác. Trong đó, ngựa cũng là vật nuôi không thể thiếu trong mỗi gia đình, nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa và di chuyển của con người. Bên cạnh đó, người dân Minh Long tiến hành đánh bắt cá dọc các con suối để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày. Nghề rừng vốn gắn bó với đời sống của người dân địa phương ngay từ khi bộ phận dân cư đầu tiên đặt chân tới mảnh đất này. Họ khai thác các sản vật từ rừng thông qua hoạt động săn bắn và hái lượm nhằm bổ sung nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ cho bữa ăn hằng ngày, đặc biệt là vào dịp giáp hạt. Ngày nay, khi tài nguyên rừng ngày càng suy giảm, cùng với chính sách bảo vệ rừng, sự chỉ đạo của các cấp, ban ngành ở địa phương, nhân dân trong xã đã tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc và phát triển kinh tế từ rừng.

          Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chính sách, dự án dần được thực hiện có hiệu quả, người dân ngày càng nâng cao ý thức trồng rừng và bảo vệ rừng. Nhiều loại cây lâm nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao, tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương đã được trồng và đem lại hiệu quả kinh tế. Nhân dân Minh Long khá thành thạo một số nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt vải, nhuộm vải chàm và ép các loại hạt, rèn, làm gạch, ngói. Các nghề thủ công truyền thống phần lớn mang tính chất nghề phụ và nhằm đáp ứng cho nhu cầu của gia đình là chủ yếu. Nhà ở truyền thống của người dân Minh Long trước đây chủ yếu là nhà sàn. Bên cạnh đó còn có một bộ phận cư trú theo loại hình nhà tường trình, nhà xây bằng gạch đất không nung, nhà làm bằng đá. Nhà ở được thiết kế dựa lưng vào chân núi, mặt ngoảnh ra cánh đồng. Theo quan niệm của đồng bào Tày, Nùng, đây là hướng nhà vừa chứa đựng yếu tố phong thủy vừa bảo đảm sự vững chắc và thoáng mát cho ngôi nhà, đồng thời phản ánh sự thích ứng với đặc điểm địa hình của địa phương. Ngày nay, nhà cửa của người dân trong xã đã dần được bê tông hóa, xây dựng khang trang hơn. Đặc biệt, cho đến nay người dân Minh Long ở xóm Nà Vị bảo tồn được lối kiến trúc nhà làm bằng đá khá độc đáo. Kiến trúc chủ yếu ngôi nhà các khối đá với nhiều kích cỡ được xếp chồng lên nhau, được kết dính bằng một hỗn hợp từ đá vôi trộn với cát tạo nên tường nhà tương đối dày và chắc chắn. Chiều cao trung bình mỗi ngôi nhà khoảng từ 7 - 8 m, mái được lợp bằng ngói âm dương. Với lối kiến trúc này, ngôi nhà đá của người dân Minh Long mang đặc điểm là khá kiên cố, mát mẻ về mùa hè và ấm áp về mùa đông.

          Bên cạnh nhà ở là ẩm thực, trang phục, phương tiện vận chuyển đều phản ánh các yếu tố tự nhiên và tập quán của cư dân cư trú tại địa phương. Trong văn hóa ẩm thực, các món ăn hằng ngày được người dân chế biến với nhiều hình thức khác nhau từ luộc, xào, kho đến nướng. Đặc biệt, trong chế biến các món ăn của người Tày, Nùng ở địa phương không thể thiếu các loại gia vị. Chẳng hạn như: thịt thường được xào với gừng, tỏi, hành, lá mác mật; cua, ếch lươn xào với nghệ, lá lốt, tía tô; gà hầm với hạt dẻ, nấm hương mộc nhĩ... Trong các loại gia vị, mác mật là loại rất được ưa dùng. Các loại nước chấm gia tăng hương vị đậm đà cho bữa ăn hằng ngày như nước tương, xì dầu, nước mắm được người dân ưa dùng. Trong các dịp lễ, tùy vào từng dịp mà mâm cơm thường có một số món ăn riêng để thực hiện nghi lễ tín ngưỡng và tiếp đãi anh em, họ hàng, làng xóm. Vào dịp lễ tết trong năm, tuỳ thuộc vào từng dịp mà việc chuẩn bị lễ vật có những yếu tố riêng. Tết nguyên đán, các hộ gia đình mổ lợn, gà thiến, làm bánh chưng, bánh khảo, chè lam, khẩu sli, bánh phồng,... Tết Thanh minh có món xôi nhiều màu, măng nhồi thịt, măng rán rải thịt, trộn trứng gà và gia vị, đậu phụ phồng nhồi thịt hấp chín. Tết Đoan ngọ không thể thiếu món bún, thịt vịt và bánh gio, bánh gai. Món ăn đặc trưng của địa phương là các món thịt chế biến khô như thủ lợn gác bếp, vịt dành khô. Vịt sau khi được làm sạch, ướp muối và đem treo gác bếp, dùng để ăn dần. Đồng bào Tày, Nùng thường có thói quen dùng các món cháo: cháo lỏng (lày liêu), cháo đặc (lày khản). Cháo được chế biến phong phú, kết hợp với nhiều loại thịt và thực phẩm tươi ngon tạo nên các món bổ dưỡng như: cháo gà, cháo ốc, cháo lươn, cháo chân hươu, cháo lòng, cháo nhộng ong... Món cháo thường được chế biến để dành cho người già, trẻ em và người ốm. Thức uống hằng ngày của người dân Minh Long bao gồm nước chè (chè búp và chè nướng lá), nước lá vối, nước chè đắng. Trong những ngày hè nắng nóng, người dân còn chế thêm nước sôi pha muối để nguội vắt nước chanh giải nhiệt. Khi trong gia đình có người ốm, họ dùng các loại cây dược liệu phơi khô, đun lấy nước để uống vừa bổ dưỡng vừa có tác dụng chữa bệnh.

          Vào các dịp lễ, khi gia đình có việc quan trọng hay có khách đến thăm, các loại rượu như rượu trắng, rượu ngâm thuốc, rượu cao,... đều được các gia đình mang ra sử dụng. Đời sống tinh thần của người dân Minh Long khá phong phú, trong đó thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng khá phổ biến. Bên cạnh đó, nhân dân Minh Long còn có tục thờ các đối tượng khác như thờ Mụ, thờ thổ thần, thờ táo quân "vua bếp", thờ chúng sinh, thờ thành hoàng. Phong tục cưới xin, tang ma khá đa dạng. Hằng năm có nhiều ngày tết khác nhau: tết Nguyên đán, tết Đắp nọi (ngày 30 tháng Giêng), tết Thanh minh (ngày 3/3 âm lịch), tết Đoan ngọ (ngày 5/5 âm lịch), tết Khoăn vài (tết hồn trâu), tết Trung nguyên (ngày 14 và 15/7 âm lịch), tết Trung thu (ngày 15/8 âm lịch). Trong đó, Tết Nguyên đán và tết tháng Bảy là hai cái tết to nhất trong năm. Người dân Minh Long có vốn văn nghệ dân gian khá phong phú với các làn điệu dân ca như Hà lều, lượn, phong slư, phuối pác, phuối rọi, vén eng. Trong đó, lượn then là làn điệu khá nổi bật, với lối hát giao duyên. Làn điệu lượn thường được biểu diễn trong hội lồng tồng, cưới xin, mừng nhà mới hay khi có khách đến bản.

          Ở Minh Long có ba lễ hội lớn: hội Lồng Tồng (xuống đồng), hội Cầu mùa và hội Háng Toán. Lồng Tồng là lễ hội đặc trưng trong văn hóa Tày, Nùng. Vào dịp tháng Giêng, lễ hội Lồng Tồng được tổ chức ở hầu hết các xóm trong xã. Mục đích của lễ hội là cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Lồng Tồng gồm hai phần: phần hội và phần lễ. Mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng thành hoàng, dựng cây nêu chung và mời thầy tào, bụt đến thực hiện nghi lễ. Sau khi kết thúc phần lễ là diễn ra phần hội với các hoạt động vui chơi, văn nghệ,... gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau. Lễ hội cầu mùa được người dân Minh Long thực hiện vào năm Thìn, cứ 2 năm tổ chức một lần. Trong dịp lễ này, chủ tế tiến hành tổ chức cầu đảo với mong muốn mưa thuận, gió hòa, làng xóm bình yên, sung túc. Khác với lễ hội Lồng tồng và lễ hội cầu mùa, hội Háng Toán được tổ chức mỗi năm ba lần (vào tháng Giêng, tháng Ba và tháng Bảy). Mặc dù, địa bàn diễn ra hội Háng Toán không phải ở xã Minh Long mà diễn ra ở hai xã Lý Quốc và Thắng lợi, song vào dịp này nhân dân trong xã đều tham gia. Hội Háng Toán mang tính chất giao lưu, gắn kết giữa các thành viên trong xã và các xã bạn với nhau. Các thanh niên nam nữ tổ chức hát giao duyên cả ngày lẫn đêm, rất vui nhộn.

          Cũng như nhiều địa phương khác, tính cộng đồng giúp đỡ nhau trong cuộc sống là một đặc điểm nổi bật trong văn hóa địa phương. Người dân giúp nhau đối phó với những khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên; hỗ trợ nhau trong sản xuất hay khi gia đình có công việc quan trọng như cưới xin, tang ma, õm đau bệnh tật. Tính cộng đồng cao, tỉnh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của nhân dân địa phương là một trong những truyền thống tốt đẹp được phát huy qua các thời kì lịch sử, nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Minh Long thuộc vùng đất giáp biên giới, nằm ở nơi địa đầu Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng. Trải qua các thời kì lịch sử, nhân dân Minh Long đã phát huy truyền thống yêu nước, anh dũng đấu tranh, chống lại các thế lực thù địch để bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Thời kì kháng chiến chống quân xâm lược phong kiến phương Bắc từ Tần, Hán đến Tống, Nguyên, Minh, Thanh (Trung Quốc), quân dân vùng đất Minh Long ngày nay luôn sát cánh cùng nhân dân trong vùng và cả nước đánh bại các đạo quân xâm lược, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XVIII, các cuộc xung đột giữa các tập đoàn phong kiến diễn ra liên tiếp. Đặc biệt là cuộc xung đột Lê - Mạc (năm 1527), cuộc xung đột giữa nhà Mạc và chúa Trịnh (năm 1592). Sau đó, nhà Mạc lên Cao Bằng, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ.

          Minh Long là một trong những địa bàn cho đến nay còn tồn tại dấu tích về sự có mặt của quân nhà Mạc ở Cao Bằng như dấu tích thành nhà Mạc, khu đất gạch nung thời kì nhà Mạc,...1 Bên cạnh đó, tại các xã biên giới cũng như nội địa của tỉnh Cao Bằng, bọn thổ phỉ nổi dậy, tiến hành cướp của, bắt phụ nữ, giết người, quấy nhiễu cuộc sống nhân dân. Đời sống nhân dân Cao Bằng nói chung và Hạ Lang nói riêng lâm vào tình cảnh khố cực, bất an. Để chống lại nạn thổ phỉ, nhân dân vùng đất Minh Long đã cùng với đồng bào các dân tộc trong vùng đồng lòng, thực hiện các biện pháp chống lại sự quấy nhiễu của bọn thố phỉ. Trong các làng bản, nhân dân tích cực đào hào, rào làng; các nhóm, tổ thanh niên được thành lập để thay phiên nhau tuần tra, canh gác bảo vệ làng bản. Nhân dân Minh Long cùng với nhân dân các địa phương trong vùng ngày đêm ra sức xây dựng hệ thống tường đá để ngăn chặn thổ phỉ từ Trung Quốc sang cướp bóc, tiêu biểu như tường đá Ngườm Khu, Bản Thằng (xã Minh Long), Kéo Nộc (xã Đức Quang), Keng Ngườm Bang (ranh giới giữa Lý Quốc và Đồng Loan). Khi có bọn thổ phỉ đến cướp bóc, nhân dân trong vùng nhất tề nổi dậy đánh đuổi chúng với mọi hình thức để bảo vệ quê hương. Dưới thời nhà Nguyễn, lãnh binh Lương Tuấn Tú được triều đình giao làm "tiểu phủ sứ" cai quản cả một vùng lãnh thổ Cao Bằng rộng lớn. Dưới sự lãnh đạo của lãnh binh Lương Tuấn Tú, con em nhân dân vùng đất Minh Long ngày nay đã hăng hái tham gia đội quân triều đình chống lại sự nhũng nhiễu của bọn thổ phỉ. Giữa thế kỉ XIX, lợi dụng sự khủng hoảng ngày càng trầm trọng của chế độ phong kiến triều Nguyễn, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Sau khi đặt được bộ máy cai trị ở các tỉnh thuộc Nam Bộ, Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, thực dân pháp tiến hành đem quân đánh chiếm các tỉnh miền núi phía Bắc.

          Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thành lập Nha Bình dân học vụ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào học tập văn hóa, xóa nạn mù chữ trong nhân dân được tổ chức rộng khắp ở các thôn xóm. Giáo viên dạy học không quy định trình độ, lứa tuổi, với phương châm “người biết chữ dạy cho người không biết chữ". Lớp học được tổ chức ở bất cứ ở địa điểm nào thuận lợi cho việc học tập. Nhân dân tự nguyện cho mượn nhà, bàn ghế, ván gỗ làm bảng, làm bàn, làm lớp học, ban ngày lao động sản xuất, buổi trưa, buổi tối tranh thủ học tập. Từ các cụ già đến em nhỏ, nam, nữ thanh thiếu niên đều hăng hái tham gia học chữ. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn trật tự trị an xóm làng, vấn đề xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cũng được quan tâm. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, chính quyền xã chủ trương củng cố và bổ sung lực lượng tự vệ địa phương. Lực lượng vũ trang địa phương tích cực luyện tập đánh trận giả, sử dụng súng bộ binh. Nhờ sự vận dụng những chỉ thị, chủ trương một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương của Ủy ban hành chính xã, phối hợp với các tổ chức cứu quốc đã bước đầu giải quyết được những khó khăn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những thắng lợi đó tạo tiền đề quan trọng để nhân dân Khánh Xuân bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 12/12/1946, trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến", trong đó chỉ thị vạch rõ mục đích của cuộc kháng chiến là đánh thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập tự do cho đất nước. Đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xác định rõ phương châm của cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Do đó xây dựng thực lực cho cuộc kháng chiến phải dựa trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa nhưng trước mắt để đối phó với khả năng chiến sự có thể lan rộng đến địa phương, Chính quyền xã Khánh Xuân quan tâm trước hết đến việc xây dựng thực lực về lực lượng quân sự. Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia lực lượng dân quân du kích được quan tâm sát sao. Con em các dân tộc ở Khánh Xuân tích cực tham gia vào lực lượng vũ trang địa phương ngày càng tăng. Cán bộ, chiến sĩ dân quân du kích được huấn luyện cách sử dụng các loại súng vũ khí, tích trữ lương thực, chuẩn bị kháng chiến. Quê hương, con người vùng đất Minh Long ngày nay vốn có nhiều truyền thống quý báu: tinh thần yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động.... Phát huy những truyền thống quý báu đó, nhân dân vùng đất Minh Long ngày nay đã đóng góp sức người, sức của, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và cùng với nhân dân cả nước giải quyết được những vấn đề cấp bách sau Cách mạng Tháng Tám đó là diệt giặc đói, giặc dốt, chuẩn bị tiền đề mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược.  

          Quê hương, con người vùng đất Minh Long ngày nay vốn có nhiều truyền thống quý báu: tinh thần yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động.... Phát huy những truyền thống quý báu đó, nhân dân vùng đất Minh Long ngày nay đã đóng góp sức người, sức của, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và cùng với nhân dân cả nước giải quyết được những vấn đề cấp bách sau Cách mạng Tháng Tám đó là diệt giặc đói, giặc dốt, chuẩn bị tiền đề mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Trích cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Minh Long (1947-2023)

Tin liên quan