Thời các vua Hùng dựng nước, Minh Long ngày nay là vùng đất thuộc bộ Vũ Định (Nhà nước Văn Lang); dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc (179 TCN - 938), vào thời nhà Hán thuộc quận Giao Chỉ, dưới thời thuộc Đường nằm trong Châu Long và châu Vũ Nga¹. Đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497), vùng đất Minh Long ngày nay thuộc phủ Cao Bằng, châu Hạ Lang, tổng Tuyền Đằng. Các triều đại sau, đơn vị hành chính của châu Hạ Lang không có sự thay đổi, vẫn bao gồm 4 tổng, trong đó có tổng Tuyền Đằng.
Mùa xuân năm 1892, lợi dụng lúc Pháp còn đang phải tập trung lực lượng đối phó với các cuộc đấu tranh của nhân dân ta, quân Mãn Thanh đã đánh chiếm toàn bộ tổng Điều Lương và một phần tổng Tuyền Đằng của châu Hạ Lang. Sau đó, giữa Pháp và Mãn Thanh đã diễn ra cuộc đàm phán về biên giới. Kết quả, hai bên đã kí bổ sung về Hiệp định biên giới với nội dung thỏa thuận: quân Mãn Thanh rút khỏi tổng Tuyền Đằng; Thực dân Pháp nhượng tổng Điều Lương cho Mãn Thanh. Sau khi mất tổng Điều Lương, thực dân Pháp đã điều chỉnh lại đơn vị hành chính: cắt hai xã Nga Sơn và Trùng Nhai thuộc tổng Nga Ổ, châu Thượng Lang nhập vào tổng Tuyền Đằng, với tên gọi mới là tổng Phong Đằng, sau đó sáp nhập tổng Phong Đằng vào châu Thượng Lang².
Theo đó, vùng đất Minh Long lúc bấy giờ thuộc hai xã Lũng Đa và xã Phong Đằng của tổng Phong Đằng, châu Thượng Lang. Xã Phong Đằng gồm các xóm: Nà Vị, Nà Quản, Luộc Khiêu, Bản Khúy, Bản Suối, Bản Thang, Luộc Khếnh (thuộc xã Minh Long ngày nay); Bản Bang Trên, Bản Bang Dưới (thuộc xã Lý Quốc ngày nay); Lũng Mán,Lũng Bua, Lũng Cúm, Lũng Rúm, Lũng Nặm, Lũng Phục, Bản Nha, Luộc Phjoỏng (thuộc xã Đồng Loan hiện nay). Xã lũng Đa bao gồm các xóm: Lũng Đa Trên, Lũng Đa Dưới (thuộc xã Minh Long ngày nay); Nặm Tốc, Lý Vạn, Lũng Pấu, Khỉ Chao (thuộc xã Lý Quốc ngày nay)1.
Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công, Chính phủ đã có những điều chỉnh về hệ thống hành chính cấp cơ sở. Theo đó, tổng Phong Đằng thuộc châu Thượng Lang sáp nhập vào châu Hạ Lang. Các đơn vị hành chính được điều chỉnh tên gọi huyện, xã. Châu Hạ Lang được đổi thành huyện Hạ Lang và các xã được đổi tên theo tên các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong kháng chiến. Cũng trong thời gian này, xã Lũng Đa hợp nhất với các xóm Bản Thang, Luộc Khếnh, Bản Suối, Bản Khúy, Bản Nha, Luộc Phjoỏng, Luộc Khiếu, Nà Vị và Nà Quản (thuộc xã Phong Đằng) để thành lập xã mới với tên gọi là Khánh Xuân. Tên gọi Khánh Xuân đặt theo tên gọi của liệt sĩ Triệu Văn Đeng (người địa phương)2. Đến năm 1953, tên của xã có sự điều chỉnh là xã Minh Long. Ngày 15/9/1969 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 176/CP, với một số điều chỉnh đơn vị hành chính ở Cao Bằng: sáp nhập các xã Lý Quốc, Thắng Lợi, Đức Quang, Kim Loan và Minh Long thuộc huyện Trùng Khánh. Như vậy, theo Quyết định số 176/CP của Hội đồng Chính phủ, xã Minh Long thuộc về huyện Trùng Khánh. Năm 1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 245/CP (ngày 10/6/1981) thành lập xã Đồng Loan (huyện Trùng Khánh) trên cơ sở cắt toàn bộ các xóm của Thôn A thuộc xã Thắng Lợi và các xóm Lũng Nặm, Lũng Rúm, Lũng Phục, Lũng Cúng, Lũng Mán, Lũng Búa (xã Lý Quốc); các xóm Bản Nha và Luộc Phoỏng (xã Minh Long).
Như vậy, thực hiện theo chủ trương của Hội đồng Chính phủ xã Minh Long có sự điều chỉnh về đơn vị xóm. Cũng trong năm 1981, theo Quyết định số 44-HĐBT ngày 01/9/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Hạ Lang được tái lập trên cơ sở các xã Minh Long, Lý Quốc, Đồng Loan, Thắng Lợi, Đức Quang, Kim Loan của huyện Trùng Khánh và xã An Lạc, Thanh Nhật, Quang Long, Việt Chu, Thị Hoa, Thái Đức, Vinh Quý, Cô Ngân của huyện Quảng Hòa. Huyện lỵ Hạ Lang đóng tại xã Thanh Nhật. Từ năm 1981 đến nay, xã Minh Long thuộc huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Trải qua quá trình lịch sử, gắn liền với sự biến đổi của châu, huyện Hạ Lang qua nhiều lần sáp nhập và chia cắt, hiện nay Minh Long là một trong 13 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn của huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Xã gồm có 10 thôn xóm: Đa Trên, Đa Dưới, Luộc Khiếu, Luộc Khếnh, Nà Quản, Nà Vị, Bản Suối, Bản Thang, Bản Khúy, Nà Ma (tách từ Bản Thang).
Năm 2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về việc sáp nhập, đổi tên xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, xã Minh Long chỉ đạo sáp nhập một số xóm trên địa bàn: Luộc Khiếu sáp nhập với Bản Khúy với tên gọi là xóm Trường Yên; Đa Trên sáp nhập với Đa Dưới với tên gọi là xóm Lũng Đa; Nà Ma sáp nhập với Bản Thang, Luộc Khếnh với tên gọi là xóm Bản Thang. Theo đó, hiện nay xã Minh Long gồm có 6 xóm. Do tác động của cấu tạo về mặt địa chất nên địa hình của xã có đặc điểm vừa có núi, đồi, thung lũng. Trong đó, hình thành hai khu vực rõ rệt: khu vực núi đá và khu vực núi đất. Độ cao trung bình so với mặt nước biển là khoảng 300 m. Khu vực núi đá nằm ở phía Đông Nam của xã, nơi có nhiều ngọn núi đá cao từ 250 m đến 800 m. Chiếm khoảng 5/6 diện tích đất đai là khu vực núi đất, nằm ở phía Tây Bắc của xã. Với những cấu tạo địa chất như vậy tại Minh Long các chuyên gia khảo cổ đã tìm thấy các dấu tích của đại dương cổ, lục địa cổ, ranh giới bất chỉnh hợp này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử tiến hóa của khu vực, vốn được coi là một bộ phận của siêu lục địa cổ Gondwana¹. Xen kẽ giữa các nếp gãy của núi đá, núi đất là những thung lũng nhỏ hẹp, tương đối bằng phẳng, được người dân địa phương khai thác thành các cánh đồng, khu ruộng bậc thang, như cánh đồng Lũng Đa, Luộc Khếnh, Bản Thang,... Tại khu vực núi đất, có nhiều bãi cỏ dọc các sườn đồi, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc.
Bên cạnh đó, với sự cấu tạo địa chất, trên địa bàn xã có các hang động như Ngườm Khu, Ngườm Răm, Ngườm Xáy Cáy, Ngườm Xình Chang, Ngườm Mao Thát, Ngườm Xi Heng.... Trong đó, có những hang dài hơn 1.000 m điển hình là Ngườm Khu. Núi, đồi, hang động trên địa bàn xã không chỉ thể hiện tính chất phức tạp về địa hình mà còn mang ý nghĩa lịch sử, có vị trí quan trọng trong quốc phòng - an ninh ở địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, với địa hình đồi núi hiểm trở gây khó khăn cho việc quy hoạch xây dụng kết cấu hạ tầng và hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương, từ đó có những hạn chế nhất định đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Khí hậu ở Minh Long mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa được phân thành hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều. Lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.400 mm đến 1.600 mm, tập trung nhiều nhất là vào mùa hè (80-90%). Trên địa bàn xã xuất hiện hiện tượng mưa đá, sương muối, thậm chí có những năm có tuyết rơi. Mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Vào mùa khô nhiệt độ thấp, ít mưa, bị ảnh hưởng bởi gió mùa đông bắc nên rất lạnh. Nhiệt độ trung bình là 26,1°C, thời điểm cao nhất là 36°C và thấp nhất là 0°C. Những năm có nhiệt độ bất thường, gây hạn hán; cuối năm thường hay có sương mù vào ban đêm và sáng sớm. Đặc điểm khí hậu ở Minh Long vừa tạo điều kiện thích hợp để xã phát triển nông nghiệp, nhất là một số cây ưa lạnh song cũng gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng và vật nuôi cũng như sức khỏe của con người. Xã Minh Long là một trong những địa phận có con sông Quây Sơn chảy qua. Sông Quây Sơn bắt nguồn từ biên giới Việt Nam - Trung Quốc, chảy qua huyện Trùng Khánh tới Đàm Thủy, qua xã Minh Long, Lý Quốc, rồi chảy sang Trung Quốc. Ngoài ra, trên địa bàn xã Minh Long còn có hai con suối lớn là suối Minh Long và suối Đồng Loan. Suối Minh phát nguồn từ hai khe lớn ở Bản Khúy và Bản Suối chảy qua địa bàn của xã, tính từ thượng nguồn khe Bản Suối đến hết địa phận của xã dài trên 7.500 m, đến hạ lưu hòa vào con sông Quây Sơn. Suối Đồng Loan phát nguồn từ xã Đồng Loan chảy qua Lý Quốc rồi chảy ngầm qua Ngườm Thông Thăng hợp lưu với con suối của Minh Long ở Nà Quản. Hệ thống sông, suối của Minh Long cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các cánh đồng xóm Luộc Khiếu, Bản Thầng, Lũng Đa,...
Cũng như nhiều địa phương khác, tính cộng đồng giúp đỡ nhau trong cuộc sống là một đặc điểm nổi bật trong văn hóa địa phương. Người dân giúp nhau đối phó với những khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên; hỗ trợ nhau trong sản xuất hay khi gia đình có công việc quan trọng như cưới xin, tang ma, õm đau bệnh tật. Tính cộng đồng cao, tỉnh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của nhân dân địa phương là một trong những truyền thống tốt đẹp được phát huy qua các thời kì lịch sử, nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Minh Long thuộc vùng đất giáp biên giới, nằm ở nơi địa đầu Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng. Trải qua các thời kì lịch sử, nhân dân Minh Long đã phát huy truyền thống yêu nước, anh dũng đấu tranh, chống lại các thế lực thù địch để bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Thời kì kháng chiến chống quân xâm lược phong kiến phương Bắc từ Tần, Hán đến Tống, Nguyên, Minh, Thanh (Trung Quốc), quân dân vùng đất Minh Long ngày nay luôn sát cánh cùng nhân dân trong vùng và cả nước đánh bại các đạo quân xâm lược, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XVIII, các cuộc xung đột giữa các tập đoàn phong kiến diễn ra liên tiếp. Đặc biệt là cuộc xung đột Lê - Mạc (năm 1527), cuộc xung đột giữa nhà Mạc và chúa Trịnh (năm 1592). Sau đó, nhà Mạc lên Cao Bằng, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ.
Minh Long là một trong những địa bàn cho đến nay còn tồn tại dấu tích về sự có mặt của quân nhà Mạc ở Cao Bằng như dấu tích thành nhà Mạc, khu đất gạch nung thời kì nhà Mạc,...1 Bên cạnh đó, tại các xã biên giới cũng như nội địa của tỉnh Cao Bằng, bọn thổ phỉ nổi dậy, tiến hành cướp của, bắt phụ nữ, giết người, quấy nhiễu cuộc sống nhân dân. Đời sống nhân dân Cao Bằng nói chung và Hạ Lang nói riêng lâm vào tình cảnh khố cực, bất an. Để chống lại nạn thổ phỉ, nhân dân vùng đất Minh Long đã cùng với đồng bào các dân tộc trong vùng đồng lòng, thực hiện các biện pháp chống lại sự quấy nhiễu của bọn thố phỉ. Trong các làng bản, nhân dân tích cực đào hào, rào làng; các nhóm, tổ thanh niên được thành lập để thay phiên nhau tuần tra, canh gác bảo vệ làng bản. Nhân dân Minh Long cùng với nhân dân các địa phương trong vùng ngày đêm ra sức xây dựng hệ thống tường đá để ngăn chặn thổ phỉ từ Trung Quốc sang cướp bóc, tiêu biểu như tường đá Ngườm Khu, Bản Thằng (xã Minh Long), Kéo Nộc (xã Đức Quang), Keng Ngườm Bang (ranh giới giữa Lý Quốc và Đồng Loan). Khi có bọn thổ phỉ đến cướp bóc, nhân dân trong vùng nhất tề nổi dậy đánh đuổi chúng với mọi hình thức để bảo vệ quê hương. Dưới thời nhà Nguyễn, lãnh binh Lương Tuấn Tú được triều đình giao làm "tiểu phủ sứ" cai quản cả một vùng lãnh thổ Cao Bằng rộng lớn. Dưới sự lãnh đạo của lãnh binh Lương Tuấn Tú, con em nhân dân vùng đất Minh Long ngày nay đã hăng hái tham gia đội quân triều đình chống lại sự nhũng nhiễu của bọn thổ phỉ. Giữa thế kỉ XIX, lợi dụng sự khủng hoảng ngày càng trầm trọng của chế độ phong kiến triều Nguyễn, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Sau khi đặt được bộ máy cai trị ở các tỉnh thuộc Nam Bộ, Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, thực dân pháp tiến hành đem quân đánh chiếm các tỉnh miền núi phía Bắc.
Năm 1886, Thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Cao Bằng. Đồng bào các dân tộc Hạ Lang, trong đó bao gồm nhân dân vùng đất Minh Long ngày nay không cam chịu thân phận nô lệ, đã hăng hái tham gia lực lượng của Mã Quốc Anh và lực lượng yêu nước của quan chức địa phương nhất tề nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt, khi thực dân Pháp tiến đánh về phía đông Cao Bằng, trong đó có Hạ Lang, chúng thực hiện các biện pháp khủng bố, đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Trước tình hình đó, nhân dân vùng đất Minh Long ngày nay cùng với nhân dân các vùng hưởng ứng lời kêu gọi chống Pháp của Mã Quốc Anh. Nghĩa quân thực hiện song song hai nhiệm vụ: vừa dẹp yên bọn thổ phỉ quấy nhiễu dọc khu vực biên giới, vừa tập trung lực lượng, huy động các loại vũ khí súng kíp, giáo mác, cung nỏ,... chặn đánh quân Pháp trên đường hành quân của chúng. Nhờ sự chống trả quyết liệt của nghĩa quân, đã ngăn cản, gây khó khăn và làm chậm bước tiến của địch, thực dân Pháp không thể vượt qua đèo Khau Mòn, buộc chúng phải quay lại Quảng Uyên rồi qua Trùng Khánh, từ Trùng Khánh sang Bằng Ca, đánh chiếm Hạ Lang. Từ năm 1886 - 1888, nghĩa quân Mã Quốc Anh tiến hành phục kích, đánh địch, gây cho chúng nhiều khó khăn trong việc thiết lập ách thống trị ở các địa phương. Năm 1887, thực dân Pháp tiến đánh Trùng Khánh, nhân dân các dân tộc của Minh Long, Thắng Lợi, Quang Long.... ngày nay đã phối hợp với nghĩa quân của Lê Bá Tài truy kích địch từ Trùng Khánh xuống. Kết quả tên quan tư Đa-vi bị bắn chết, quân địch bị tiêu hao sinh lực, làm chậm bước tiến của địch, gây cho thực dân Pháp nhiều khó khăn trong việc đánh chiếm của chúng.
Sau khi chiếm được Cao Bằng, thực dân Pháp tiến hành thiết lập bộ máy cai trị. Chúng chia phủ Trùng Khánh thành 6 tổng: Lăng Yên, Trà Lĩnh, Y Cống, Phong Châu, Nga ỗ và Phong Đằng. Vùng đất Minh Long lúc đó thuộc tổng Phong Đằng, phủ Trùng Khánh. Năm 1896, Pháp thành lập chi khu quân sự Trùng Khánh, do đại đội 12 lính khố đỏ chốt giữ, nhằm bảo vệ cho bộ máy thống trị của chúng. Trung tâm chỉ huy của Chi khu quân sự đóng tại phủ Trùng Khánh dưới sự chỉ huy của quân Pháp. Chúng xây dựng các hệ thống đồn bốt dọc biên giới từ địa phận xã Đàm Thủy ngày nay đến Phai Can, Trà Lĩnh¹. Bộ máy hành chính cai trị nhân dân được thiết lập đến tận cấp xã. Cấp phủ có tri phủ đứng đầu do thực dân Pháp bổ nhiệm và thực hiện chế độ quân sự để cai quản. Cấp tổng có chánh tổng và phó tổng quản lý các xã. Cấp xã có các chức dịch lý trưởng, phó lý trưởng, kỳ mục, thủ bạ với vai trò chủ yếu là quản lý nhân dân và đôn đốc việc thu thuế, bắt phu, bắt lính. Các chức dịch quân sự cũng được hình thành từ phủ xuống xã: cấp phủ có châu đoàn; cấp tổng có tổng đoàn; cấp xã có xã đoàn, lính dõng. Thực dân Pháp âm mưu lôi kéo các tầng lớp trên vào tệ nạn mua quan bán chức, người nào bỏ tiền ra nhiều hơn, người đó được quan Tây bổ nhiệm.
Dưới ách thống trị của đế quốc, phong kiến, đời sống nhân dân vùng đất Minh Long lúc bấy giờ hết sức khổ cực. Chúng đặt ra nhiều thứ thuế, đặc biệt là thuế thân và thuế điền, thuế tiểu thương... nhằm vơ vét tài nguyên và bóc lột tận cùng sức lao động của người dân. Nặng nề nhất là thuế thân, một loại thuế đánh vào tất cả những người đàn ông từ 18 đến 60 tuổi. Thực dân Pháp định ra lệ cấp thẻ cho những ai đóng thuế thân và giao nhiệm vụ cho các chức dịch, hoặc mật thám thường xuyên kiểm tra, người dân đi lại từ châu này sang châu khác, nếu phát hiện ai trốn thuế sẽ tiến hành tra khảo, bắt giam. Thêm vào đó là sự nhũng nhiễu và gian lận trong quá trình phân chia hạng thuế của chánh tổng và lý trưởng. Ai trốn thuế, lậu thuế, bị chúng đánh đập, cướp tài sản, thậm chí bỏ tù. Người nông dân vốn đã nghèo khổ lại càng cùng cực, khi bị bóc lột, vơ vét kiệt cùng tài sản, phải làm thuê, làm mướn. Sự phân hóa giai cấp ở nông thôn được hình thành, ruộng đất của nông dân tập trung vào tay tầng lớp phủ nông, địa chủ, nhất là những người có địa vị trong xã hội. Cùng với chế độ thuế nặng nề là nạn phu phen tạp dịch. Dân phu làm những việc rất nặng nhọc như làm cầu, xây đồn, họ không những phải nhận những đồng công rẻ mạt mà còn thường xuyên bị bọn cai phu đánh đập. Đời sống của nhân dân các dân tộc nơi đây lâm vào cảnh đói rách liên miên. Năm 1945, thiên tai, lũ lụt, sâu bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lương thực và sự khai thác quá sức vào nông nghiệp vốn đã lạc hậu của Nhật, Pháp gây ra nạn đói lớn ở các địa phương, người dân Minh Long cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chính sách ngu dân về giáo dục và đầu độc về văn hóa được thực dân Pháp tích cực thực hiện, bởi lẽ đây là những biện pháp hỗ trợ đắc lực cho công cuộc khai thác của chính quyền thực dân.
Đến đầu thế kỉ XX, đời sống người dân hết sức nghèo khổ, thêm vào đó nạn mù chữ diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Mặc dầu, Pháp mở Trường tiểu học Bằng Ca ở tổng Phong Đằng, song trường học phần lớn phục vụ cho con em quan lại, và một số ít gia đình giàu có. Phần lớn người dân ở vùng đất Minh Long không có điều kiện học chữ. Những thói hư tật xấu, phong tục tập quán lạc hậu được chính quyền các cấp ra sức dung dưỡng. Các hủ tục về ma chay, cưới xin, nạn bói toán ngày càng nặng nề. Thanh niên ở địa phương bị lôi kéo vào các tệ nạn như rượu, cờ bạc,... nhằm quên đi con đường đấu tranh cách mạng. Người dân đau ốm không có thuốc để chữa bệnh, họ chủ yếu dựa vào các cây thuốc nam hoặc dựa vào cúng bái. Tuy nhiên, phương pháp chữa bệnh này mang tính kinh nghiệm dân gian chỉ có tác dụng ở mức độ nhất định. Cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn nhiều bề từ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cơ sở y tế đến thiếu điều kiện về vệ sinh phòng bệnh dẫn đến các dịch bệnh như sốt rét, ho gà, lao, lỵ lây lan trong cộng đồng. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đời sống người dân vùng đất Minh Long cũng như nhân dân các địa phương trong vùng đều vô cùng khổ cực, nhu cầu bức thiết lúc bấy giờ là phải xóa bỏ ách nô dịch của thực dân Pháp. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nắm quyền lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Sự kiện đó đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử phát triển cách mạng nước ta. Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, phong trào cách mạng ngày càng phát triển. Ở Cao Bằng, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được hình thành và phát triển tại châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phong trào cách mạng ở các vùng khác của Cao Bằng. Ngày 01/4/1930, tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An, đồng chí Hoàng Văn Nọn (Hoàng Như) thay mặt Chi bộ Hải ngoại Long Châu, kết nạp hai đồng chí tiêu biểu trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Cao Bằng là Lê Đoàn Chu (tức Lê Mới, Nam Cao) và Nông Văn Đô (tức Bích Giang, Cát Lợi) vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tuyên bố thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng, do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư Chi bộ, đánh dấu bước chuyển biến của phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc ở Cao Bằng. Hoạt động của tổ chức Đảng đã thu hút con em đồng bào các dân tộc Cao Bằng tham gia cách mạng. Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Thực dân Pháp ở Đông Dương thi hành hàng loạt chính sách về kinh tế, quân sự nhằm vơ vét của cải, bóc lột sức lao động của nhân dân Đông Dương phục vụ cho cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tháng 9/1940, phát xít Nhật chiếm Đông Dương, thực dân Pháp đầu hàng, dâng Đông Dương cho Nhật. Từ đây, nhân dân ta sống trong cảnh một cổ hai tròng. Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941). Từ sau Hội nghị này, công cuộc chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang được tiến hành gấp rút; phong trào cách mạng ngày càng lan rộng và lớn mạnh. Vào ngày 24/4/1941, tại khu vực Bằng Ca (thuộc xã Lý Quốc ngày nay), ông Hoàng Long (người xóm Bồng Sơn, xã Đàm Thủy ngày nay) đã đến tuyên truyền phong trào Việt Minh cho ông Nông Văn Thuấn, người Lũng Phjô. Nhờ đó, ông Nông Văn Thuấn đã giác ngộ cách mạng, trở thành hội viên Hội Việt Minh (tháng 5/1942) lấy bí danh là Phúc Bình và được giao nhiệm vụ phụ trách tổng Phong Đằng. Trong những năm 1942-1943, thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ và sự chỉ đạo của Liên châu miền Đông, phong trào Việt Minh từ nhiều hướng phát triển vào châu Hạ Lang. Từ Tổng Khía (xã Cao Thăng, huyện Trùng Khánh), một nhánh Việt Minh do đồng chí Páo Thàng phụ trách đã phát triển vào Nà Ran, Pò Rao, Nà Pác... (xã Đức Quang) từ đó lan sang Bản Háo, Lũng Phục (xã Thắng Lợi). Một nhánh Việt Minh do đồng chí Cao Thăng, Trung Thành phụ trách phát triển vào xóm Thềng Kít, Khuổi Âu từ đó phát triển theo đường Lũng Túng, Lũng Mò, Đông Phén, Gia Lường, Bản Tao (xã Kim Loan), Bản Chao, Phja Đeng, Nà Rây, Sộc Áng (xã An Lạc). Đồng thời từ Bản Tao, Mặt trận Việt Minh phát triển sang Lũng Chi, Lũng Duông (xã Kim Loan) rồi đến Bản Răng, Bản Xe, Bản Nưa (xã An Lạc). Hướng Đàm Thuỷ, Bằng Ca, Mặt trận Việt Minh do đồng chí Hoàng Long, Trung Sơn, Minh Hải phụ trách phát triển theo con đường Bản Suối (xã Minh Long), Lũng Phjô (xã Lý Quốc) phát triển lên xã Thắng Lợi. Từ đó, xã Thắng Lợi trở thành nơi tụ họp cán bộ cách mạng vùng Bằng Ca, tổng Phong Đằng¹. Đêm 09/3/1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính lật đổ thực dân Pháp ở Đông Dương. Trước tình hình đó, từ ngày 08-12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời họp Hội nghị mở rộng, ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", đồng thời phát động cao trào “Kháng Nhật cứu nước". Được bản Chỉ thị soi sáng, khắp nơi trong cả nước đã dấy lên cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, quyết liệt với nhiều hình thức, lấy đấu tranh vũ trang làm trọng tâm, lật đổ chính quyền của địch, thành lập chính quyền cách mạng. Trung đội vũ trang của đồng chí Nông Văn Thuấn được thành lập tại căn cứ cách mạng Bản Bắng (xã Thắng Lợi), gồm 46 hội viên, hoạt động ở vùng Bằng Ca². Đội tự vệ xã có nhiệm vụ tham gia tuần tra canh gác bảo vệ thôn xóm, đưa đường, bảo vệ cán bộ, tập luyện quân sự, chống lại sự tấn công, chống phá của quân địch. Cán bộ Việt Minh xuống các xóm bản tổ chức quần chúng nhân dân tham gia Việt Minh.
Các đoàn thể cứu quốc như "Thanh niên cứu quốc”, “Nông dân cứu quốc”, “Phụ nữ cứu quốc" lần lượt ra đời, góp phần đẩy mạnh phong trào yêu nước sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Các giới cứu quốc ở các thôn, xóm của các xã An Lạc, Kim Loan, Quang Long, Lý Quốc,... tổ chức tuyên truyền chính sách, Điều lệ Việt Minh, tổ chức cắt máu ăn thề tập thể. Tại vùng đất Minh Long ngày nay, các hoạt động đó được diễn ra ở xóm Luộc Khiếu, Bản Suối và Bản Thầng1. Tháng 3/1945, Ban Việt Minh ở Minh Long được thành lập do ông Nông Văn Coỏng (tức Khánh Thành) làm chủ nhiệm. Ban Việt Minh tích cực tổ chức nhân dân chống quân Phỉ. Ngày 04/8/1945, bè lũ Trung Hoa Dân quốc (Quốc dân Đảng, quân Tưởng) với danh nghĩa Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất là âm mưu chống phá cách mạng. Khi vào biên giới nước ta, dọc vùng biên giới từ Trùng Khánh đến Trà Lĩnh, tay sai của quân Trung Hoa Dân quốc dùng các biện pháp vừa quấy phá, cướp bóc vừa dụ dỗ, mua chuộc nhằm chống phá chính quyền cách mạng. Tại Bằng Ca, đội quân của phỉ Chống Hính thường xuyên lùng sục bắt người, cướp tài sản của nhân dân trong vùng². Minh Long là vùng đất giáp biên nên đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi hành động phá hoại của chúng. Tại các địa phương thuộc tổng Phong Đằng nói chung và vùng đất Minh Long ngày nay nói riêng, lực lượng Việt Minh và các trung đội vũ trang đã bao vây, khống chế bọn phỉ Chống Hính dưới mọi hình thức khác nhau, gây cho chúng nhiều khó khăn. Đến tháng 7/1945, phỉ Chống Hính rút khỏi đồn Bằng Ca về Trung Quốc.
Trên đường rút quân, phỉ Chống Hính tiến hành phá hoại, cướp bóc, giết người ở các địa phương dọc biên giới, một số thôn xóm giáp biên của Minh Long cũng chịu ảnh hưởng bởi hành động của chúng.
Trước hoàn cảnh đó, lực lượng Việt Mình cùng với lực lượng vũ trang ở vùng đất Minh Long đã chống trả quyết liệt. Năm 1945, Ủy ban nhân dân lâm thời xã được thành lập, ông Hứa Văn Huồng (tức Đức Phương) giữ chức Chủ tịch¹. Sự kiện thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời cùng với việc đánh đuổi được quân phỉ về nước, đã tạo ra niềm phấn khởi đối với nhân dân vùng đất Minh Long lúc bấy giờ. Dưới sự chỉ đạo của chính quyền, nhân dân các dân tộc vùng đất Minh Long, thi đua sản xuất, ổn định cuộc sống, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng trong thời kì mới. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công trong cả nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc ta bước sang kỉ nguyên mới - kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Tuy nhiên, trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám với nhiệm vụ trước mắt là xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ, đất nước ta phải đương đầu với muôn vàn khó khăn đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với thắng lợi của nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc ở Khánh Xuân sau bao nhiêu năm sống dưới ách bóc lột của thực dân, phong kiến nay được hưởng cuộc sống tự do nên vô cùng phấn khởi. Từ đây, nhân dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để xây dựng và bảo vệ quê hương. Tuy nhiên, hậu quả các chính sách bóc lột, vơ vét của chính quyền thực dân để lại, làm cho đời sống nhân dân các dân tộc Khánh Xuân ngày càng khổ cực. Kinh tế nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên, sản lượng lương thực bấp bênh. Đại bộ phận các hộ dân ở Khánh Xuân, nhất là đối với các thôn vốn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống hết sức khó khăn lại phải chịu sự những nhiễu của thực dân, phong kiến làm cho cuộc sống càng thêm túng thiếu. Một bộ phận các hộ dân thiếu lương thực, đói ăn từng bữa phải vào rừng đào củ mài, hái lượm các loại rau rừng ăn thay cơm ngày càng nhiều. Đói nghèo cùng với nạn dốt (mù chữ) là một trong những yếu tố gây cản trở đến việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ chính quyền. Với chủ trương khuyến khích duy trì phong tục, tập quán lạc hậu, các tệ nạn xã hội của chính quyền thực dân nên trong thời gian này nạn cờ bạc, nghiện thuốc phiện, nghiện rượu tồn tại trong một số bộ phận giới thanh niên; các tập tục không còn phù hợp tiếp tục được duy trì. Nguy cơ lớn đối với nước ta sau Cách mạng Tháng Tám là sự tấn công của giặc ngoại xâm. Dưới danh nghĩa quân Đồng Minh giải giáp quân đội Nhật, từ cuối tháng 9/1945 quân Pháp núp sau hơn một vạn quân Anh vào đánh chiếm Nam Bộ. Ở phía Bắc vĩ tuyến 16, khoảng 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc dưới danh nghĩa Đồng minh vào phía Bắc Đông Dương làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật với mưu đồ tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, phá tan Mặt trận Việt Minh, lật đổ chính quyền cách mạng để lập nên chính quyền tay sai. Tại Hạ Lang, nhân dân Khánh Xuân cùng với nhân dân các xã tích cực đấu tranh chống lại sự nhũng nhiễu của bọn thổ phỉ. Trong thế nước như "ngàn cân treo đầu sợi tóc", để đưa nước ta vượt qua tình thế khó khăn, ngày 03/9/1945, Hội đồng Chính phủ tiến hành họp, nội dung chủ yếu là thảo luận và đi đến thống nhất các vấn đề do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra: Tăng gia sản xuất để chống đói, quyên góp gạo giúp đỡ người nghèo; chống nạn mù chữ; tổ chức cuộc tổng tuyển cử, giáo dục cần - kiệm - liêm - chính; xóa bỏ thuế thân; bài trừ tệ nạn xã hội; tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo. Ngày 25/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẩn cấp họp và ra bản Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc". Trên cơ sở phân tích tình hình, bản Chỉ thị xác định rõ kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là thực dân Pháp; nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng nước ta vẫn là vấn đề dân tộc, đồng thời đề ra những nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là củng cố chính quyền cách mạng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó, bản chỉ thị nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là củng cố chính quyền cách mạng. Hòa cùng không khí tưng bừng của ngày hội tổng tuyển cử trong cả nước, đồng bào các dân tộc ở Khánh Xuân đã hăng hái tham gia bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngay sau đó, các cử tri xã Khánh Xuân tiếp tục tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính các cấp được thành lập, thay thế cho Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Năm 1946, Ủy ban hành chính xã Khánh Xuân do ông Hứa Văn Huồng làm Chủ tịch đã ra mắt trước niềm phấn khởi của toàn thể nhân dân địa phương, đây là chính quyền dân cử đầu tiên ở địa phương được thành lập ra thông qua nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Bộ máy chính quyền được xây dựng và củng cố vững chắc là cơ sở cho Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể ở địa phương hoạt động có hiệu quả hơn. Trên cơ sở xây dựng và củng cố chính quyền địa phương, cán bộ và nhân dân xã Khánh Xuân chung tay cùng với nhân dân cả nước giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra mà trước hết là diệt “giặc đói". Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!". Nhân dân các dân tộc ở Khánh Xuân hăng hái tham gia thực hiện cuộc vận động tăng gia sản xuất trong toàn tỉnh, gắn với các khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng", "Tấc đất bỏ hoang, tấc vàng bỏ phí”. Đồng thời, nhân dân địa phương thực hiện "hũ gạo cứu đói”: “cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. Đem số gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo"¹. Mỗi gia đình, trong một tuần nhịn ăn một bữa, dùng số gạo đó cho vào ống mai (hũ gạo chống đói), để hỗ trợ cho những gia đình thiếu đói. Để giải quyết căn bản nạn đói, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, dưới sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc ở Khánh Xuân tiến hành thực hiện nhiều giải pháp khác nhau: khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác; hạn chế nấu rượu bằng gạo, bắp, giảm thiểu việc tổ chức mâm cỗ ăn uống trong các dịp lễ tết. Các tập tục tốt đẹp mang tính tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc được phát huy ở từng thôn xóm. Nhân dân giúp đỡ nhau về giống cây trồng, dụng cụ sản xuất, ngày công để bảo đảm gieo trồng hết diện tích. Nhờ chính quyền có biện pháp lãnh đạo cụ thể, nhân dân tích cực lao động sản xuất, tiết kiệm, tương tế lẫn nhau nên nạn đói ở Khánh Xuân bước đầu được đấy lùi. Trước tình hình tài chính của nước ta hết sức khó khăn sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 04/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 04 thành lập "Quỹ độc lập” với mục đích thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia. Dưới sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã, tỉnh thần dân tộc của nhân dân Khánh Xuân được phát huy. Dựa vào điều kiện của từng gia đình, người dân Khánh Xuân hăng hái quyên góp vào quỹ độc lập, chủ yếu bằng lương thực. Song song với nhiệm vụ diệt "giặc đói", nhiệm vụ cấp bách của nước ta lúc bấy giờ là phải tấn công vào nạn “giặc dốt”, bởi lẽ muốn bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám thì điều quan trọng là phải nâng cao dân trí, mà trước hết người dân phải biết đọc, biết viết. Ngày 08/9/1945, Chính phủ đã kí Sắc lệnh số 17- SL về thành lập Nha Bình dân học vụ. Để phong trào có sức lan toả hơn nữa, ngày 04/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Chống nạn thất học", trong đó nêu rõ: Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thành lập Nha Bình dân học vụ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào học tập văn hóa, xóa nạn mù chữ trong nhân dân được tổ chức rộng khắp ở các thôn xóm. Giáo viên dạy học không quy định trình độ, lứa tuổi, với phương châm “người biết chữ dạy cho người không biết chữ". Lớp học được tổ chức ở bất cứ ở địa điểm nào thuận lợi cho việc học tập. Nhân dân tự nguyện cho mượn nhà, bàn ghế, ván gỗ làm bảng, làm bàn, làm lớp học, ban ngày lao động sản xuất, buổi trưa, buổi tối tranh thủ học tập. Từ các cụ già đến em nhỏ, nam, nữ thanh thiếu niên đều hăng hái tham gia học chữ. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn trật tự trị an xóm làng, vấn đề xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cũng được quan tâm. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, chính quyền xã chủ trương củng cố và bổ sung lực lượng tự vệ địa phương. Lực lượng vũ trang địa phương tích cực luyện tập đánh trận giả, sử dụng súng bộ binh. Nhờ sự vận dụng những chỉ thị, chủ trương một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn địa phương của Ủy ban hành chính xã, phối hợp với các tổ chức cứu quốc đã bước đầu giải quyết được những khó khăn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những thắng lợi đó tạo tiền đề quan trọng để nhân dân Khánh Xuân bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 12/12/1946, trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến", trong đó chỉ thị vạch rõ mục đích của cuộc kháng chiến là đánh thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập tự do cho đất nước. Đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xác định rõ phương châm của cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Do đó xây dựng thực lực cho cuộc kháng chiến phải dựa trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa nhưng trước mắt để đối phó với khả năng chiến sự có thể lan rộng đến địa phương, Chính quyền xã Khánh Xuân quan tâm trước hết đến việc xây dựng thực lực về lực lượng quân sự. Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia lực lượng dân quân du kích được quan tâm sát sao. Con em các dân tộc ở Khánh Xuân tích cực tham gia vào lực lượng vũ trang địa phương ngày càng tăng. Cán bộ, chiến sĩ dân quân du kích được huấn luyện cách sử dụng các loại súng vũ khí, tích trữ lương thực, chuẩn bị kháng chiến. Quê hương, con người vùng đất Minh Long ngày nay vốn có nhiều truyền thống quý báu: tinh thần yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động.... Phát huy những truyền thống quý báu đó, nhân dân vùng đất Minh Long ngày nay đã đóng góp sức người, sức của, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và cùng với nhân dân cả nước giải quyết được những vấn đề cấp bách sau Cách mạng Tháng Tám đó là diệt giặc đói, giặc dốt, chuẩn bị tiền đề mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau khi chiếm được Cao Bằng, thực dân Pháp tiến hành thiết lập bộ máy cai trị. Chúng chia phủ Trùng Khánh thành 6 tổng: Lăng Yên, Trà Lĩnh, Y Cống, Phong Châu, Nga ỗ và Phong Đằng. Vùng đất Minh Long lúc đó thuộc tổng Phong Đằng, phủ Trùng Khánh. Năm 1896, Pháp thành lập chi khu quân sự Trùng Khánh, do đại đội 12 lính khố đỏ chốt giữ, nhằm bảo vệ cho bộ máy thống trị của chúng. Trung tâm chỉ huy của Chi khu quân sự đóng tại phủ Trùng Khánh dưới sự chỉ huy của quân Pháp. Chúng xây dựng các hệ thống đồn bốt dọc biên giới từ địa phận xã Đàm Thủy ngày nay đến Phai Can, Trà Lĩnh¹. Bộ máy hành chính cai trị nhân dân được thiết lập đến tận cấp xã. Cấp phủ có tri phủ đứng đầu do thực dân Pháp bổ nhiệm và thực hiện chế độ quân sự để cai quản. Cấp tổng có chánh tổng và phó tổng quản lý các xã. Cấp xã có các chức dịch lý trưởng, phó lý trưởng, kỳ mục, thủ bạ với vai trò chủ yếu là quản lý nhân dân và đôn đốc việc thu thuế, bắt phu, bắt lính. Các chức dịch quân sự cũng được hình thành từ phủ xuống xã: cấp phủ có châu đoàn; cấp tổng có tổng đoàn; cấp xã có xã đoàn, lính dõng. Thực dân Pháp âm mưu lôi kéo các tầng lớp trên vào tệ nạn mua quan bán chức, người nào bỏ tiền ra nhiều hơn, người đó được quan Tây bổ nhiệm. Dưới ách thống trị của đế quốc, phong kiến, đời sống nhân dân vùng đất Minh Long lúc bấy giờ hết sức khổ cực.
Quê hương, con người vùng đất Minh Long ngày nay vốn có nhiều truyền thống quý báu: tinh thần yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động.... Phát huy những truyền thống quý báu đó, nhân dân vùng đất Minh Long ngày nay đã đóng góp sức người, sức của, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 và cùng với nhân dân cả nước giải quyết được những vấn đề cấp bách sau Cách mạng Tháng Tám đó là diệt giặc đói, giặc dốt, chuẩn bị tiền đề mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược.